Nhựa Đông Á (DAG): Các ngân hàng đưa vào nhóm nợ xấu cao nhất, kinh doanh lao đao, cổ phiếu bị hạn chế giao dịch

DTCK | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 24 Tháng Bảy 2024 07:04:00

Năm 2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (mã chứng khoán DAG) chìm trong thua lỗ, khó khăn vẫn đeo bám lấy doanh nghiệp này đến năm nay. 

Ngày 1/7/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã có Quyết định số 351 về việc đưa cổ phiếu DAG của Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á vào diện cảnh báo do Công ty chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính so với thời hạn quy định.

Giải trình về nội dung này, Nhựa Đông Á cho biết, Công ty đang tiến hành làm việc với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY để hoàn tất các số liệu kế toán cần thiết của Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023. Do khối lượng công việc lớn và cần đảm bảo tính chính xác cao, Công ty cần thêm thời gian để thống nhất số liệu với đơn vị kiểm toán.

Ngoài ra, Công ty cần thêm thời gian để kiện toàn nhân sự, tìm kiếm ứng viên thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025 phù hợp đáp ứng tình hình quản trị của Công ty. Đây là một phần quan trọng trong việc đảm bảo sự lãnh đạo và quản lý hiệu quả của công ty trong thời gian tới.

Về định hướng tái cấu trúc, Công ty Nhựa Đông Á cho biết, đang trong quá trình thống nhất định hướng tái cấu trúc toàn diện, bao gồm công ty mẹ và các công ty con. Đồng thời, Công ty cũng đang xem xét và đàm phán các phương án hợp tác, đầu tư, liên doanh liên kết với các đối tác chiến lược. Quá trình này đòi hỏi thời gian để đạt được sự đồng thuận và chuẩn bị kỹ lượng.

Ngày 15/7/2024, Công ty đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 nhưng không thành công và Công ty đã công bố thông tin theo quy định. Công ty đã công bố thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 2 năm 2024 vào ngày 27/7 tại trụ sở chính của Công ty.

Kinh doanh lao dốc, bị ngân hàng đưa vào nhóm nợ xấu cao nhất

Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á được biết đến là doanh nghiệp có thương hiệu trong sản xuất sản phẩm nhựa phục vụ trong ngành công nghiệp xây dựng. Các sản phẩm tiêu biểu của Nhựa Đông Á có thể kể đến như tấm ốp trần, cửa nhựa và nẹp trang trí), sản phẩm cửa uPVC và thanh uPVC Profile, tấm PP công nghiệp…

Là doanh nghiệp có doanh thu nghìn tỷ nhưng Nhựa Đông Á thường có lợi nhuận khá mỏng, duy trì khoảng dưới 10 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2020-2022 (năm 2020 lãi 9,7 tỷ đồng, năm 2021 lãi hơn 5,9 tỷ đồng, năm 2022 lãi 7,38 tỷ đồng).

Đến năm 2023, Nhựa Đông Á bất ngờ lỗ tới hơn 257 tỷ đồng, doanh thu sụt giảm một nửa so với năm 2022, chỉ đạt hơn 1.200 tỷ đồng. Đây là mức lỗ đậm nhất của DAG trong suốt 20 năm trở lại đây. Cũng chính vì thua lỗ nặng nên các thành viên HĐQT của DAG đã quyết định không nhận thù lao HĐQT năm 2023.

DAG lý giải nguyên nhân là do tình hình kinh tế khó khăn, doanh thu bán hàng của Công ty bị sụt giảm mạnh. Các ngân hàng đồng loạt đưa Công ty vào nhóm 5 khiến Công ty gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, chi phí lãi vay ở mức cao. Trong khi đó, Công ty thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và giảm giá hàng tồn kho dẫn đến chi phí trích lập lớn.

Bước sang năm 2024, theo dự thảo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông lần thứ hai sắp diễn ra, HĐQT DAG dự kiến trình kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt hơn 642,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 9,5 tỷ đồng.

Để thực hiện kế hoạch này, Công ty dự kiến kiện toàn bộ máy quản lý, sắp xếp lại hoạt động sản xuất, tìm kiếm các đơn vị có năng lực tốt để liên doanh liên kết, hợp tác vận hành.

Đối với hoạt động sản xuất, Công ty sẽ khai thác các nhà máy sau quá trình đầu tư, xử lý hàng tồn kho, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm mới. Công ty cũng sẽ xây dựng phương án tái cấu trúc tài chính, triển khai phát hành cổ phiếu khi được đại hội cổ đông thông qua; nghiên cứu các giải pháp cụ thể để duy trì dòng tiền.

Đối với DAG, năm 2024 tiếp tục sẽ là một năm đầy khó khăn do các ngân hàng đồng loạt hạ nhóm tín dụng xuống nhóm 5. Công ty khó khăn tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để khôi phục, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhận thức được những khó khăn, thách thức, cơ hội, công ty xem xét kỹ các yếu tố nội lực của doanh nghiệp để đạt mục tiêu đề ra, thoát lỗ.

Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/7 cổ phiếu DAG giảm 2,44% so với phiên trước đó, chỉ còn 2.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu DAG đang bị cảnh báo và hạn chế giao dịch từ 24/5/2024.

Hải Minh