Nhà máy S2 được vận hành trở lại sẽ đóng góp tích cực cho sản lượng điện thương phẩm của CTCP Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC - sàn HOSE)
Trước đó, tổ máy phát điện S2 phải tạm ngừng hoạt động vào tháng 4/2023 do phát thải không đạt tiêu chuẩn từ hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hiện đã được sửa chữa. PPC ưu tiên thay thế hệ thống lọc bụi lò 2AB bị lỗi để đảm bảo vận hành an toàn, tổ máy đã được đưa vào hoạt động thành công vào ngày 5/6/2024.
Trước thắc mắc cổ đông về rủi ro khí phát thải và giải pháp khắc phục, PPC thông tin Công ty đã và đang khẩn trương hoàn thiện các công trình liên quan đến khí, phát thải như hệ thống lọc bụi tĩnh điện các dây chuyền, hệ thống khử lưu huỳnh (FGD) của dây chuyền 2 để hạn chế thấp nhất rủi ro về khí phát thải và đảm bảo các quy định về khí phát thải.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, PPC đã thông qua chỉ tiêu doanh thu đạt 8.755,6 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 427,25 tỷ đồng, lần lượt tăng 39,4% và 11,7% so với thực hiện trong năm 2023.
Ban lãnh đạo PPC báo cáo, lợi nhuận cốt lõi sơ bộ trong 5 tháng 2024 từ mảng sản xuất điện đạt 135 tỷ đồng, với sản lượng sản xuất ước đạt 2.200 triệu kWh (sản lượng sản xuất của Phả Lại 1 là 500 triệu kWh và Phả Lại 2 là 1.700 kWh).
Về phương án trả cổ tức, PPC dự kiến tỷ lệ chi trả cho năm 2024 là 6% (chưa xác định bằng tiền mặt hay cổ phiếu). Nhưng theo dự báo của Vietcap, cổ tức có thể trả bằng tiền mặt với 1.500 đồng/CP cho năm 2024. Bởi trong lịch sử, PPC thường chia cổ tức bằng tiền mặt thực tế gấp đôi kế hoạch Công ty đề ra.
Khả năng đình chỉ vận hành thấp
Vào tháng 7/2023, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với PPC. Nguyên nhân do Công ty đã có các hành vi vi phạm như thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải tại ống khói dây chuyền 1 dẫn đến bị phạt tiền và đình chỉ hoạt động 12 tháng.
Tuy nhiên, mức phạt giờ đây chỉ có hiệu lực khi Bộ Công Thương và EVN chọn được nhà cung cấp điện khác thay thế PPC (1.040 MW).
Ban lãnh đạo PPC tin rằng diễn biến này là tích cực vì điều này sẽ giúp PPC có thêm thời gian để thực hiện các giải pháp môi trường. Ngoài ra, do vai trò quan trọng của PPC trong việc cung cấp điện cho miền Bắc, nơi có mức tiêu thụ điện tăng trưởng đáng kể, Công ty tin rằng khả năng đình chỉ vận hành là thấp cho đến năm 2030.
Cổ phiếu đảo chiều
Trong đó, cổ phiếu PPC tăng 23% lên mức 16.500 đồng/CP (phiên 31/05) – mức cao nhất 2 năm qua. Thanh khoản bứt phá từ 100.00 - 300.000 đơn vị mỗi phiên đã bật lên trên dưới 1 triệu đơn vị/phiên.
Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 6 tới nay, diễn biến cổ phiếu đảo chiều, PPC chỉ có 1 phiên duy nhất tăng điểm là 10/06 – ngày PPC tổ chức đại hội, còn lại sắc đỏ đang áp đảo cổ phiếu; tổng cộng đến ngày 12/06, PPC đã giảm hơn 5,4%.
Diễn biến của PPC tương đối đồng pha với hai cổ phiếu cùng ngành là HND và QTP, nguyên nhân được cho là giá cổ phiếu đã phản ánh đủ kỳ vọng của thị trường nên quay đầu giảm, đồng thời thuỷ điện trở lại sẽ sớm hạn chế sức cạnh tranh của điện than trên hệ thống điện quốc gia.
Bên cạnh ảnh hưởng chung của ngành, PPC cũng chịu thêm tác động từ quyết định thoái vốn liên tiếp từ các cổ đông lớn.
Trong thời gian qua, Công ty TNHH Năng lượng REE đã miệt mài thoái vốn khỏi PPC sau khi Công ty mẹ (REE) chia sẻ định hướng tương lai sẽ tập trung phát triển các loại hình năng lượng sạch.
Ngoài ra, quỹ ngoại Samarang Ucits - Samarang Asian Prosperity, cũng là cổ đông lớn của PPC vừa bán ra 50.000 cổ phiếu PPC, qua đó đã hạ sở hữu xuống còn hơn 25,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7,99%.
Kiều Trang