Quý 1, Việt Nam xuất khẩu điều đạt 739 triệu USD

VNE | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 06 Tháng Tư 2018 10:00:00

Khối lượng xuất khẩu hạt điều 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 73 ngàn tấn và 739 triệu USD, tăng 31% về lượng và tăng 43,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017...

Quý 1/2018, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu khối lượng tăng nhưng kim ngạch lại giảm, hoặc giảm cả lượng và kim ngạch, nhưng riêng ngành điều cả khối lượng và kim ngạch xuất khẩu đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, giá điều xuất khẩu cũng tăng đến 12,5% so với cùng kỳ...

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng hạt điều xuất khẩu trong tháng 3/2018 ước đạt 26 ngàn tấn với giá trị 265 triệu USD.

Xuất khẩu tăng ở hầu hết thị trường chính

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 30,5%, 16,8% và 14,3% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. Ngoại trừ thị trường Australia, xuất khẩu hạt điều giảm (giảm 13,9% về lượng và giảm 7,1% về giá trị), các thị còn lại đều tăng mạnh.

Ông Đặng Hoàng Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, theo đánh giá của Vinacas, về cơ bản xuất khẩu điều trong quý I/2018 tăng mạnh. 

Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu điều trong quý 1 năm nay cũng như những năm trước chưa thể phản ánh những diễn biến cụ thể liên quan đến thị trường, vì lượng xuất khẩu trong quý I tăng là do liên quan đến nhu cầu tiêu thụ điều trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao nên chúng ta chưa thể đánh giá được hết.

Nhìn chung năm nay triển vọng thị trường là có và Hội đồng Hạt quả khô quốc tế cũng đã có những đánh giá hết sức lạc quan về thị trường. 

Ngoài ra, các nghiên cứu về giá trị dinh dưỡng của hạt điều cũng đã được công bố, và gần đây nhất là nghiên cứu về dinh dưỡng hạt điều của Ấn Độ, nước này đã nghiên cứu thành công và đã đăng tải trên tạp chí chuyên ngành về dinh dưỡng.

"Các đánh giá về mặt dinh dưỡng của hạt điều là khá tốt và theo đánh giá chủ quan của hiệp hội, nhu cầu tiêu thụ hạt điều đang tăng trưởng, thị trường vẫn tốt, tuy rằng tình hình thị trường năm nay cũng có những khó khăn nhất định", ông Giang chia sẻ.

Tiếp tục chủ trương tăng chất, giảm lượng

Xuất khẩu hạt điều quý 1/2018 cùng với việc tăng mạnh cả lượng và kim ngạch, thì giá hạt điều xuất khẩu bình quân đạt 10.261 USD/tấn, cũng tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2017. 

Kết quả này phản ảnh đúng chủ trương của Vinacas là trong năm 2018, ngành điều giảm khối lượng xuất khẩu, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu điều chế biến sâu. 

Do vậy, đối với các mặt hàng giá trị gia tăng, Vinacas cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao như: điều tẩm gia vị mật ong, điều chiên muối, điều organic... những mặt hàng đang xuất khẩu rất tốt.

Tuy nhiên, ông Giang cũng cho biết thêm, năm nay trên thị trường, giá có một số yếu tố mà hiệp hội và các doanh nghiệp cần quan tâm, và kết quả xuất khẩu quý I chưa phản ánh rõ ràng các vấn đề liên quan, tuy nhiên, thị trường đã có những tín hiệu lạc quan về triển vọng của quý II/2018 và các quý còn lại trong năm 2018.

"Vậy nên lượng xuất khẩu điều tới đây có thể giảm nhưng giá trị mang lại sẽ tăng lên, về con số thì chúng ta cố gắng duy trì bằng kim ngạch xuất khẩu của năm 2017 là 3,62 tỷ USD, về sản lượng thì chỉ khoảng 300.000 tấn thôi", ông Giang khẳng định.

Theo Vinacas, giá điều xuất khẩu bình quân tăng là do các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, hàng organic xuất khẩu đã tăng nhiều so với trước nên bình quân giá xuất khẩu tăng lên. 

Đó là nguyên nhân chính giúp kim ngạch xuất khẩu quý 1/2018 tăng mạnh 43,6% so với cùng kỳ, phản ánh đúng định hướng của hiệp hội. 

Riêng về khối lượng xuất khẩu, chúng ta không thể áp đặt ý chí chủ quan mà phải theo diễn biến của thị trường. 

Tuy nhiên, trong quý 1, khối lượng điều thô nhập khẩu không giảm mà lại tăng, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng khối lượng và giá trị hạt điều nhập khẩu trong quý 1/2018 đạt 200 ngàn tấn và 460 triệu USD, tăng gần 20% về lượng và 33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Theo lý giải của ông Giang, nhập khẩu điều thô thường có độ trễ nhất định, thông thường doanh nghiệp ký hợp đồng vào khoảng tháng 11, tháng 12 của năm trước, sau khi thực hiện xong các thủ tục thanh toán, giao nhận và trong quá trình vận chuyển mất ít nhất 1 tháng, thậm chí có những quốc gia phải mất đến 2 tháng hàng mới về tới Việt Nam.

"Khối lượng điều nhập khẩu trong quý I tăng do doanh nghiệp ký hợp đồng từ năm trước, và lượng hàng nhập cuối năm thường đến từ Đông Phi. Vì vậy, lượng điều thô nhập khẩu tăng trong quý 1 chưa thể phản ánh chính xác nhu cầu nhập khẩu điều thô của doanh nghiệp, và không ảnh hưởng gì đến mục tiêu của ngành", ông Giang khẳng định.

Khôi Nguyên