Trong bối cảnh giá cổ phiếu DRI của Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk tăng mạnh, công ty mẹ là Công ty cổ phần Cao su Đắk Lắk quyết định thoái vốn, dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu từ 66,6% xuống 36%.
Giá cổ phiếu tăng mạnh trước khi có “game” thoái vốn
Từ ngày 3/6 đến 2/7/2024, Cao su Đắk Lắk (mã chứng khoán DRG) đăng ký bán gần 22,4 triệu cổ phiếu DRI với giá khởi điểm 14.100 đồng/cổ phiếu, thông qua phương thức thoả thuận và khớp lệnh trên sàn chứng khoán.
Nếu thoái vốn thành công, Cao su Đắk Lắk sẽ chuyển cách hạch toán từ đầu tư công ty con sang đầu tư vào công ty liên kết tại Đầu tư Cao su Đắk Lắk, vì tỷ lệ sở hữu sẽ giảm từ 66,6% về 36% vốn điều lệ.
Trước khi Cao su Đắk Lắk quyết định thoái vốn, giá cổ phiếu DRI từ ngày 20/12/2023 đến ngày 3/6/2024 tăng gần 110%, từ 6.810 đồng/cổ phiếu lên 14.300 đồng/cổ phiếu, trở thành “hiện tượng” trên thị trường UPCoM khi giá và thanh khoản đều tăng cao.
Điểm hấp dẫn của cổ phiếu DRI trong thời gian qua được giới quan sát đánh giá có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu đến từ khả năng hưởng lợi từ giá cao su tăng và kỳ vọng “game” thoái vốn nhà nước (Cao su Đắk Lắk có cổ đông nhà nước là Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, sở hữu 98,94% vốn điều lệ) sẽ giúp Công ty sớm khai thác được nhiều tiềm năng mà trước đó chưa khai thác khi cổ đông nhà nước sở hữu chi phối.
Năm 2023, Đầu tư Cao su Đắk Lắk ghi nhận doanh thu thành phẩm mủ cao su 436 tỷ đồng, chiếm 98,3% tổng doanh thu. Trong quý I/2024, Công ty ghi nhận doanh thu mảng này 116,2 tỷ đồng, chiếm 98,7% tổng doanh thu. Doanh nghiệp đang quản lý vườn cao su trồng tại Lào thông qua công ty con, với tổng diện tích 8.592,3 ha. Đây là vườn cao su được trồng từ những năm 2005 - 2012, độ tuổi đang khai thác khoảng 12 - 13 năm. Trung bình số năm khai thác của cây cao su từ 20 - 25 năm, nên thời gian khai thác vườn cao su của Đầu tư Cao su Đắk Lắk còn dài và hiệu quả phụ thuộc vào diễn biến giá cao su, vì Công ty đã đi qua giai đoạn đầu tư vốn lớn, hiện bước vào giai đoạn chăm sóc vườn cây và cạo mủ.
Kể từ tháng 8/2023 tới nay, giá cao su thế giới liên tục tăng, từ 127 USD cents/kg ngày 18/8/2023 lên 127 USD cents/kg ngày 4/6/2024, tương đương mức tăng 37,8%. Giá cao su được hỗ trợ bởi nguồn cung suy giảm tại các nước xuất khẩu lớn như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… do thời tiết khắc nghiệt làm giảm sản lượng, đồng thời nhu cầu cao hơn từ ngành sản xuất xe điện của Trung Quốc.
Thực tế, lợi nhuận trong quý đầu năm 2024 tăng mạnh chủ yếu do Đầu tư Cao su Đắk Lắk tiết giảm chi phí bán hàng (giảm 1,4 tỷ đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp (giảm 510 triệu đồng) và chi phí lãi vay (giảm từ 1,17 tỷ đồng xuống 920 triệu đồng), nhất là khi không có lợi nhuận âm ở khoản mục khác (cùng kỳ năm ngoái, khoản mục lợi nhuận khác âm 5,27 tỷ đồng, do bị truy thu thuế 4,86 tỷ đồng và chi phí khác hơn 400 triệu đồng).
Về nợ vay, trước thời điểm đăng ký giao dịch trên UPCoM ngày 30/12/2016, Đầu tư Cao su Đắk Lắk có tổng nợ vay tính đến ngày 1/1/2016 là 758,4 tỷ đồng, bằng 98,2% vốn chủ sở hữu, nhưng tới ngày 31/3/2024, tổng nợ vay giảm còn 26,3 tỷ đồng, bằng 5% vốn chủ sở hữu.
Cuối năm 2023, Đầu tư Cao su Đắk Lắk không còn nợ vay dài hạn và trong quý đầu năm 2024, nợ vay ngắn hạn giảm thêm 19 tỷ đồng, xuống 26,3 tỷ đồng, trong khi lượng tiền mặt còn 28,4 tỷ đồng.
Giá cao su tăng chưa phản ánh rõ nét vào kết quả kinh doanh quý I/2024, nhưng với việc Công ty gần như không còn chịu áp lực chi phí lãi vay, kết quả kinh doanh trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ phụ thuộc vào diễn biến giá cao su và hiệu quả khai thác mủ cao su.
Bên cạnh diện tích trồng cao su, Đầu tư Cao su Đắk Lắk còn sở hữu 501,8 ha điều, 13,35 ha bạch đàn, 168,6 ha đất trồng, hành lang bảo vệ ven suối, 1 nhà máy chế biến mủ cao su công suất 18.000 tấn/năm.
Việc cổ đông nhà nước chọn thời điểm hiện tại để thoái vốn tại Đầu tư Cao su Đắk Lắk được coi là thuận lợi, vì cổ phiếu vẫn đang hấp dẫn nhà đầu tư khi giá và thanh khoản duy trì ở mức cao nhờ triển vọng kết quả kinh doanh tăng trưởng.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, sau khi cổ đông nhà nước thoái vốn, cổ phiếu DRI nhiều khả năng sẽ bước vào giai đoạn “trũng” thông tin hỗ trợ và áp lực chốt lời gia tăng, cổ phiếu cần thời gian tích luỹ để tạo câu chuyện mới, nhất là khi doanh nghiệp tỏ ra thận trọng với hoạt động kinh doanh năm nay.
Đầu tư Cao su Đắk Lắk hiện có vốn điều lệ 732 tỷ đồng, không thay đổi kể từ tháng 7/2014. Năm 2024, Công ty đặt kế hoạch đạt lợi nhuận trước thuế 74,4 tỷ đồng, giảm 20,6% so với năm 2023 (năm 2023, Công ty đạt 93,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 11,2% so với năm 2022).
Công ty mẹ gặp khó khăn
Cao su Đắk Lắk quản lý hơn 20.000 ha đất trồng và chế biến mủ cao su, nhưng kết quả kinh doanh 2 năm qua giảm mạnh. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2023 giảm 44,5% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế năm 2022 giảm gần 40% so với năm 2021.
Tính riêng một số hoạt động đầu tư ngoài ngành; lợi nhuận gộp năm 2023 trong lĩnh vực dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ, du lịch ghi nhận âm 4,36 tỷ đồng; lĩnh vực sản phẩm chỉ thun, vật tư khác lỗ 6,71 tỷ đồng. Quý I/2024, lợi nhuận gộp của 2 lĩnh vực này lần lượt âm 1,25 tỷ đồng và âm 0,92 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, trong năm 2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố ông Võ Tiến Hùng, nguyên Phó Phòng Kỹ thuật kế hoạch đầu tư và ông Văn Đức Lư, nguyên Tổng giám đốc Công ty. Cả hai bị điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Tháng 4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố bị can đối với ông Bùi Quang Ninh, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Trong bối cảnh lợi nhuận suy giảm, một số hoạt động đầu tư ngoài ngành thua lỗ, việc đăng ký bán gần 22,4 triệu cổ phiếu DRI dự kiến mang lại 318,5 tỷ đồng (tính theo giá khởi điểm 14.100 đồng/cổ phiếu) cho Cao su Đắk Lắk, giúp cải thiện bức tranh tài chính.
Duy Bắc