Chia sẻ với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2024 tổ chức ngày 27/4, lãnh đạo Ngân hàng BIDV cho biết, năm 2024, Ngân hàng dự kiến phát hành riêng lẻ gần 165 triệu cổ phiếu, hiện đã có nhà đầu tư xem xét và đang trong thời gian thảo luận với nhà đầu tư.
Tại ĐHĐCĐ 2024 được tổ chức sáng ngày 27/4, trước câu hỏi của cổ đông về kết quả kinh doanh quý I/2024, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã chứng khoán: BID) đã tiết lộ, kinh tế Việt Nam phục hồi nhưng vẫn còn chậm trong quý I và điều này tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp, nhưng tại BIDV, tính đến 31/3 dư nợ tín dụng của đạt trên 1,76 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1,09% so với đầu năm, đến nay đã tăng 1,2%.
Huy động vốn tăng 0,8% so với quý I/2023 và lợi nhuận trước thuế đạt trên 7.056 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nợ xấu theo Thông tư 11 hiện là khoảng 1,33%.
Về câu hỏi liên quan đến kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ, ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV cập nhật tiến độ: “Tại ĐHCĐ năm 2023, chúng ta đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 9% cho nhà đầu tư. Năm 2024, chúng ta dự kiến phát hành riêng lẻ gần 165 triệu cổ phiếu, tương đương 2,89% vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2023.
Ông Phương thông tin thêm, 165 triệu cổ phiếu đã có kế hoạch phát hành trong ngắn hạn sau khi được sự phê duyệt của cơ quản quản lý nhà nước và hiện đã có nhà đầu tư xem xét và đang trong thời gian thảo luận với nhà đầu tư. Đối với phần còn lại khoảng 6,11% vốn điều lệ, BIDV sẽ làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước, xin ý kiến tại đại hội cổ đông.
“Tuỳ theo mức độ thuận lợi thị trường, nếu các nhà đầu tư đánh giá tích cực về năng lực, triển vọng kinh doanh của BIDV thì có thể sẽ tiến hành ngay việc mua cổ phiếu tương đương 2,89% vốn điều lệ trong năm nay và nếu tốt hơn nữa thì từ nay đến cuối năm chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai phương án phát hành thêm”, ông Phương nói.
“Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện đúng lộ trình, mục tiêu và kế hoạch đề ra”, ông Tú nói.
Cũng theo ông Tú, đối với các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng lớn gần như ngân hàng nào cũng cạnh tranh ở tất cả các phân khúc là khách hàng lớn, doanh nghiệp, nước ngoài, SMEs, cá nhân. Không có ngân hàng nào chỉ làm khách hàng cá nhân trừ các công ty tài chính và BIDV không là ngoại lệ.
“Chúng tôi có khối tài sản lớn nhất hệ thống với gần 2,3 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng và đầu tư hơn 2 triệu tỷ đồng nên không thể theo bất kỳ một phân khúc khách hàng nào, mà phải đa dạng để đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp và nền kinh tế”, Chủ tịch BIDV cho biết.
“Đến nay, dư nợ của BIDV đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo khoảng 70.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4% tổng dư nợ của BIDV. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang xây dựng chiến lược phát triển xanh của BIDV bằng việc sử dụng năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn, triển khai chiến lược phát triển bền vững của BIDV với mục tiêu là giảm phát thải carbon…”, ông Tú nói.
Thông tin tại ĐHCĐ cho biết, tính đến hết 31/12/2023, các chỉ tiêu kinh doanh của BIDV đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và ĐHCĐ giao. Cụ thể, tổng tài sản đạt 2,26 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2022, tiếp tục là ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Tổng nguồn vốn huy động đạt gần 2,1 triệu tỷ đồng; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt gần 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 16,5% so với đầu năm; chiếm 14% thị phần tiền gửi toàn ngành ngân hàng.
Dư nợ tín dụng và đầu tư đạt hơn 2,19 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2022; trong đó dư nợ tín dụng đạt gần 1,75 triệu tỷ đồng, tăng 16,66% so với năm 2022, chiếm 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, đứng đầu về thị phần cho vay.
Lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ năm 2023 đạt trên 26.700 tỷ đồng, tăng 19,1% so với năm 2022; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 27,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,4% so với năm 2022, hoàn thành vượt kế hoạch ĐHCĐ giao.
Nhuệ Mẫn