Đã từng nằm trong top đầu các công ty chứng khoán nhưng giờ đây Công ty Chứng khoán Agriseco (mã chứng khoán AGR) tụt xuống vị trí 24 về vốn điều lệ, thứ 33 về tổng tài sản. Chủ tịch HĐQT Agriseco Phan Văn Tuấn nói rằng không phải do nội tại hay cổ đông mà do các đối thủ lớn quá nhanh.
Bầu HĐQT và Ban kiểm soát mới
Sáng nay (22/4), tại Hà Nội, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agriseco - HoSE: AGR) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2024.
Tại Đại hội, cổ đông Agriseco đã xem xét và phê duyệt việc bầu Thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024 - 2029 với số lượng tương ứng là 5 người và 3 người. Kết quả, 5 thành viên HĐQT trúng cử nhiệm kỳ mới 2024 - 2029 gồm ông Phan Văn Tuấn, ông Lê Sơn Tùng, ông Nguyễn Đức Thuận, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh và ông Đoàn Ngọc Hoàn; 3 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2024 - 2029 gồm bà Lê Hương Giang, bà Nguyễn Thị Hồng Dương và ông Đỗ Đức Tú.
Lợi nhuận quý I/2024 giảm 20%
Năm 2023, Agriseco đạt doanh thu 362,5 tỷ đồng; lãi trước thuế 182,3 tỷ đồng; hoàn thành kế hoạch đặt ra và đạt 94% và 101% so với mức thực hiện của năm 2022. Theo kế hoạch, Công ty sẽ thực hiện trả cổ tức tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ 6% vốn điều lệ song tại Đại hội này, Hội đồng quản trị đã xin ý kiến cổ đông và được thông qua phương án cổ tức tiền mặt năm 2023 là 7%.
Do cổ đông lớn là Ngân hàng Agribank chiếm 74,92% số cổ phần có quyền biểu quyết tại Agriseco nên phần lớn số tiền dự chi để trả cổ tức (151 tỷ đồng) sẽ "chảy" vào túi Agribank.
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Agriseco là hơn 3.062 tỷ đồng; nợ phải trả là 567,8 tỷ đồng; lợi nhuận chưa phân phối là 274,3 tỷ đồng. Sau khi chi 7% cổ tức tiền mặt, lợi nhuận để lại chưa phân phối là 107 tỷ đồng.
Năm 2024, ban lãnh đạo Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu 400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 185 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 1% so với thực hiện năm trước. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến là 6%.
Năm 2023, Agriseco thu hồi được 37,4 tỷ đồng nợ tồn đọng và các khoản góp vốn đầu tư kém hiệu quả. Ông Phan Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, sẽ đánh giá lại khả năng thu hồi đối các khoản nợ, củng cố hồ sơ pháp lý để có biện pháp xử lý phù hợp; đồng thời bám sát các hồ sơ đã chuyển cơ quan pháp luật, đôn đốc xử lý thu hồi các khoản nợ có khả năng thu hồi.
Quý I/2024, Agriseco ghi nhận doanh thu hoạt động hơn 92 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước; song lãi trước thuế lại giảm 20% về gần 44 tỷ đồng, tương ứng thực hiện được khoảng 23% kế hoạch lợi nhuận năm. Ông Tuấn cho rằng, mức lợi nhuận khiêm tốn này do quý I có đợt nghỉ Tết không giao dịch.
Tụt hạng sau 10 năm lỗ lũy kế
Ông Phan Văn Tuấn chia sẻ, giai đoạn 10 năm trước (2011-2022), Agriseco đã có 8 năm thua lỗ, trước đó một vài năm thì lợi nhuận không đáng kể. Từ năm 2022 sau khi kết thúc quá trình tái cơ cấu, Agriseco mới đủ điều kiện tổ chức đại hội cổ đông và năm ngoái lần đầu tiên sau nhiều năm mới chia cổ tức 6%.
"Năm nay, Công ty cố gắng chi cổ tức 7% để bày tỏ lòng tri ân cổ đông đã gắn bó trong giai đoạn khó khăn vừa rồi. Chúng tôi đã dùng phần lớn lợi nhuận chưa phân phối để chi cổ tức cho cổ đông, lợi nhuận còn lại còn rất ít chỉ hơn một trăm tỷ đồng”, ông Tuấn nói và cho rằng đây là sự cố gắng trong bối cảnh quy mô khiêm tốn của công ty trên thị trường hiện tại.
Theo ông Tuấn, Agriseco đã từng là số 1 về quy mô, tổng tài sản, vốn điều lệ và doanh thu vào năm 2010. Đến năm 2015, thời điểm trước khi tái cơ cấu, Công ty đứng thứ hai về vốn điều lệ và đứng thứ 10 về tổng tài sản trên thị trường.
Đến giờ, sau quá trình điều trị bệnh “nan y” để sống được, cuối năm 2023 vốn điều lệ của Agriseco đứng thứ 24 thị trường, tổng tài sản đứng thứ 33.
Chủ tịch AGR cũng nhận định, thị trường hiện có khoảng 70 công ty chứng khoán nhưng chỉ có khoảng 35 công ty hoạt động có hiệu quả, trong khi AGR đứng thứ 33 cho thấy vị thế của Agriseco đã sụt giảm rất mạnh.
“Nhưng không phải lý do đến từ nội tại Công ty hay các cổ đông mà do các đối thủ trên thị trường đã lớn lên rất nhanh, nhất là những công ty chứng khoán có vốn ngoại. Đơn cử như Công ty Chứng khoán SSI hiện có tổng tài sản khoảng 70.000 tỷ đồng, trong khi chúng ta chỉ hơn 3.000 tỷ đồng”, người đứng đầu Agriseco bộc bạch.
Chưa tăng vốn và tham gia phái sinh
Tại phần thảo luận, lãnh đạo Agriseco đã trả lời nhiều câu hỏi của các cổ đông liên quan đến kế hoạch phát triển sản phẩm phái sinh, tăng vốn, xử lý nợ khó đòi, khả năng đáp ứng hệ thống KRX...
Xin cho biết kế hoạch triển khai chứng khoán phái sinh?
Công ty đã có kế hoạch cách đây mấy năm nhưng hiện tại chưa thể tham gia thị trường phái sinh vì còn cân nhắc việc tham gia sẽ có cái được cái mất. Khi tham gia thị trường phái sinh phải đáp ứng 3 điều kiện, tuy nhiên Công ty mới đáp ứng được quy định về tài chính, nhân sự, còn điều kiện công nghệ chưa đáp ứng được (phải có hệ thống công nghệ dành cho phái sinh độc lập với hệ thống công nghệ của thị trường chứng khoán cơ sở).
Công nghệ cho phái sinh đòi hỏi đầu tư không nhỏ, Công ty cần tính toán kỹ hơn, vừa phải phù hợp với mục tiêu định hướng vừa đảm bảo quyền lợi cổ tức hàng năm cho cổ đông.
Trong tương lai, Agriseco sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham gia đầu tư chứng khoán phái sinh ở thời điểm thích hợp, có thể cuối năm nay hoặc năm sau.
Sắp tới hệ thống giao dịch KRX sẽ được triển khai vào đầu tháng 5/2024. Hệ thống công nghệ của Agriseco có đáp ứng yêu cầu vận hành KRX không?
Theo thông báo gần nhất thì đầu tháng 5/2024 hệ thống KRX đi vào hoạt động nhưng thực tế đến nay vẫn còn rất nhiều vấn đề. Công ty chúng ta đã sẵn sàng cho KRX. Ngay khi thực hiện kế hoạch của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, chúng tôi là một trong những công ty đáp ứng top đầu trong những đợt kiểm thử. Chúng tôi cũng sẵn sàng đầu tư, cải thiện công nghệ để đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Đầu năm nay, nhiều công ty chứng khoán đua nhau tăng vốn, nhất là những công ty có quy mô vừa và nhỏ. Agriseco có kế hoạch phát hành tăng vốn hay tìm nhà đầu tư chiến lược để chào bán riêng lẻ hay không?
Vừa rồi sau các chiến dịch M&A công ty chứng khoán, các công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc lớn mạnh rất nhanh, cùng với đó là sự lớn nhanh của một số công ty chứng khoán "đầu tàu" Việt Nam. Đó chính là lý do hàng loạt công ty chứng khoán đua nhau tăng vốn để đáp ứng yêu cầu thị trường.
Với Agriseco, chúng ta vừa trải qua giai đoạn tái cơ cấu, hiện tổng tài sản chỉ hơn 3.000 tỷ đồng, vấn đề tăng vốn chưa phải cấp thiết. Bởi vì chúng ta cũng chưa sử dụng hết các kênh tăng vốn như vay ngân hàng thương mại, phát hành trái phiếu... Hiện đòn bẩy tài chính của công ty khá thấp chỉ khoảng 1,2 lần. Ngoài ra, chúng ta vẫn có sự đồng hành về nguồn vốn, khách hàng từ cổ đông chiến lược là Ngân hàng Agribank.
Mặt khác, tài sản của chúng ta chỉ hơn 3.000 tỷ đồng nhưng vốn thật đã có đến 2.500 tỷ đồng, khi cần chỉ trong vài ngày tôi có thể chồng đủ lên bàn mấy trăm tỷ đồng; trong khi nhiều công ty vốn mười mấy nghìn tỷ nhưng khi cần gấp chưa chắc huy động được ngay vì tiền đang "chạy lòng vòng" tại các công ty trong hệ sinh thái.
Tại báo cáo tài chính của Agiseco cho thấy công ty có gần 1.100 tỷ đồng nợ xấu do quý I/2024 không có hoàn nhập dự phòng nên lãi trước thuế giảm 20%. Xin hỏi, kế hoạch hoàn nhập dự phòng năm nay có giúp hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 185 tỷ đồng?
Chúng tôi đã trích lập 100% giá trị phải thu khó đòi. Trong cả giai đoạn tái cơ cấu, chúng ta thu hồi được hơn 1,000 tỷ đồng và đã phục vụ việc nâng cao năng lực của Công ty. Agriseco vẫn đang rà soát, đánh giá, phân tích và nhờ vả cơ quan pháp luật, tuy nhiên việc thu hồi nợ hết sức khó khăn.
Bởi các tài sản tài chính là các cổ phiếu chưa niêm yết, gần như không có giá trị đến từ các tổ chức không còn hoạt động, gần như là công ty ma, do đó người ta không có khả năng để trả nợ.
Chúng tôi cũng đưa ra pháp luật nhờ xác minh, và đã rất nhiều vụ kiện ra tòa đã thắng kiện nhưng đến thời điểm này chưa thu được đồng nợ xấu nào. Ví dụ Vinashin đã xin làm thủ tục phá sản do đó khả năng thu hồi nợ ở doanh nghiệp này bằng 0.
Quý I/2024 thị trường chứng khoán khá tích cực, dư nợ cho vay margin tại các công ty chứng khoán khá cao. Quy mô margin của Agriseco thế nào?
Thời điểm này, dư nợ cho vay margin toàn ngành đang rất cao, cao hơn cả thời điểm "thăng hoa" năm 2021. Agriseco có dư nợ cho vay margin tại cuối quý I/2024 khoảng 1.500 - 1.600 tỷ đồng và mục tiêu năm nay sẽ đạt 2.400 tỷ đồng.
Không như một số công ty chứng khoán khác, Agriseco hoàn toàn minh bạch, làm thực chất, không chạy đua để đưa dư nợ cho vay margin cao. Quan điểm của chúng tôi là không theo xu hướng như thế, phải đảm bảo hoạt động an toàn minh bạch, đảm bảo kế hoạch cổ đông giao phó.
Kết thúc Đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.
Minh Minh