Lỗ nặng năm 2023 và cổ phiếu phải vào diện hạn chế giao dịch, PXS lên kế hoạch lãi hơn 10 tỷ đồng năm 2024

DTCK | Ngày cập nhật: Thứ Tư, 17 Tháng Tư 2024 11:25:00

Năm 2023, CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (mã PXS) lỗ tới 159 tỷ đồng do lợi nhuận các dự án không bù đắp được các chi phí cố định. Năm 2024, PXS đặt mục tiêu lãi trước thuế đạt 10,16 tỷ đồng, kỳ vọng đến từ các dự án đang có và dự án mới. 

Sang năm 2024, PXS đặt mục tiêu giá trị sản lượng đạt 542 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2023. Theo đó, mục tiêu doanh thu đạt 547 tỷ đồng, tăng 31% và lợi nhuận trước thuế đạt 10,16 tỷ đồng.

PXS cho rằng, trong năm nay Công ty có lợi thế bãi cảng 23 ha đã được đầu tư hệ thống nhà xưởng, bến bãi, cầu cảng và các thiết bị chuyên dùng đủ năng lực đáp ứng các dự án/công trình dầu khí và được các khách hàng như: VSP, PTSC, PTSC M&C, JOC, NOC, FOCUS, APHA-ECC.... đánh giá rất cao về năng lực thi công.

Bên cạnh đó, ngoài các dự án đang thi công chuyển tiếp từ năm 2023 như: Đại Hùng Phase 3, Điện gió Orsted, Chế tạo Extenal Platform,…thì các dự án mới cũng nằm trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của đơn vị như: Lô B - Ô Môn, Dự án DKI, dự án Lạc Đà vàng…

Riêng đối với dự án Lô B - Ô Môn, PXS đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ cùng Tổng công ty PetroCons và các đối tác khác tham gia vào các công trình hạ nguồn thuộc chuỗi dự án Lô B – Ô Môn như đường ống dẫn khí trên bờ, các trạm valve, trạm phân phối khí và Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 4 theo tiến độ thực hiện của từng dự án.

Đồng thời nhiều đơn vị hoạt động trong cùng lĩnh vực xây lắp do thiếu việc làm, vẫn phải chấp nhận rủi ro tham gia thực hiện để duy trì hoạt động sản xuất nên có sự cạnh tranh rất khốc liệt về giá.

Cổ phiếu vào diện hạn chế giao dịch do kiểm toán từ chối ý kiến

Từ ngày 17/04, PXS chính thức bị HNX đưa vào danh sách cổ phiếu bị hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần) do Công ty kiểm toán AASC từ chối cho ý kiến đối với BCTC năm 2023 của PXS.

Theo báo cáo của PXS, kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến dựa trên ba cơ sở.

Thứ hai, đến thời điểm kết thúc kiểm toán, AASC vẫn chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến các dự án: Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Tổ hợp hóa dầu Miền Nam Việt Nam và Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, do đó không thể đánh giá được sự phù hợp của doanh thu, giá vốn và dự phòng giảm giá hàng tồn kho mà Công ty ghi nhận từ các dự án này cũng như ảnh hưởng của các số liệu đó tới BCTC.

Thứ ba, tại thời điểm 31/12/2023, các khoản nợ phải trả ngắn hạn của Công ty đang vượt quá tài sản ngắn hạn gần 403 tỷ đồng; tổng tài sản giảm hơn 245 tỷ đồng so với đầu năm; lỗ lũy kế gần 587 tỷ đồng; lỗ gộp hơn 129 tỷ đồng; nợ phải trả quá hạn thanh toán cuối năm gần 309 tỷ đồng… cùng với các vấn đề nêu tại thuyết minh 01 trên BCTC cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

PXS cho biết, Ban giám đốc Công ty đã nhận biết được vấn đề này và sẽ tiếp tục trao đổi với chủ nợ để gia hạn các khoản nợ tới hạn trả trong năm tiếp theo. Ngoài ra, Công ty cũng đã dự báo đủ dòng tiền chi tiêu cho kỳ kế toán tiếp theo. Do đó, vấn đề mất cân đối khả năng thanh toán tại ngày 31/12/2023 (nếu có) sẽ không ảnh hưởng đến tình hình hoạt động liên tục của Công ty trong năm kế toán tiếp theo.

Kiều Trang