Dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục, nợ phải thu khó đòi tăng cao và đặc biệt là kế hoạch đầu tư vào các dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn TNT (mã TNT) đang đặt ra nhiều dấu hỏi với cổ đông, nhà đầu tư.
Cuối tháng 1/2024, TNT thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu hợp nhất 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 50 tỷ đồng và 40 tỷ đồng. So với chỉ tiêu năm 2023, doanh thu kế hoạch 2024 giảm 50 tỷ đồng, tương ứng giảm 5%, trong khi lợi nhuận giảm khoảng 33%.
Không quá khó hiểu khi TNT đặt kế hoạch kinh doanh 2024 “đi lùi” khi kết thúc năm 2023 mới hoàn thành 61% kế hoạch doanh thu (đạt 637,5 tỷ đồng) và khoảng 30% kế hoạch lợi nhuận (đạt lần lượt 22,66 tỷ đồng và 18,7 tỷ đồng lợi nhuận trước và sau thuế).
Đóng góp vào kết quả kinh doanh năm 2023 của TNT chủ yếu đến từ doanh thu tài chính tăng mạnh thông qua việc hợp tác kinh doanh thực hiện trong quý IV/2023, đạt hơn 46,5 tỷ đồng, tăng 7,38 lần so với cùng kỳ 2022.
TNT không nêu rõ khoản lãi hợp tác kinh doanh này đến từ đâu, nhưng trước đó doanh nghiệp này đã thực hiện rút vốn hợp tác tại dự án Tổ hợp Khách sạn - Resort cao cấp thuộc Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa do MBLand làm chủ đầu tư.
Đây là dự án được TNT ký kết hợp tác vào tháng 12/2019, thời điểm ông Nguyễn Gia Long còn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị MBLand sau thương vụ thâu tóm từ Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (VNH) và Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản MB (MB AMC). Dự án có vốn đầu tư dự kiến 660 tỷ đồng, trong đó TNT góp 50 tỷ đồng.
Đến ngày 22/12/2023, TNT và MBLand ký biên bản thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư và MBLand phải có trách nhiệm hoàn lại số tiền TNT đã góp trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký.
Tuy nhiên, tại ngày 31/12/2023, báo cáo tài chính của TNT thể hiện còn khoản phải thu ngắn hạn 50 tỷ đồng và 996,7 tỷ đồng phải thu dài hạn liên quan tới việc hợp tác tại các dự án bất động sản, khoản này chiếm tới 97,3% tài sản dài hạn và 62% tổng tài sản - là yếu tố chính dẫn tới lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2023 âm kỷ lục hơn 892,3 tỷ đồng so với con số dương 214 tỷ đồng của năm 2022.
Ngoài 50 tỷ đồng nêu trên, TNT còn một khoản phải thu bất thường khác là 24 tỷ đồng liên quan đến dự án Khu nhà ở phía Tây sông Nậm Rốm, phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Công nghệ môi trường tỉnh Điện Biên, sau khi ký biên bản thanh lý vào ngày 10/4/2023. Được biết, hai bên ký kết hợp tác từ năm 2016.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, dự án Khu đô thị mới Nam Trường Chinh có quy mô diện tích 438.206 m2, tổng vốn đầu tư hơn 1.815 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ bên ngoài là hơn 1.540 tỷ đồng; phần còn lại 275 tỷ đồng do nhà đầu tư góp, gồm Công ty Nam Trường Chinh góp 233,75 tỷ đồng và MBLand góp 41,25 tỷ đồng.
Lưu ý rằng, ông Nguyễn Gia Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị TNT hiện đang nắm giữ 60% vốn Công ty Nam Trường Chinh.
Ngoài dự án tại Quảng Ngãi, từ tháng 6/2023, TNT đã hé lộ kế hoạch hợp tác với nhiều doanh nghiệp khác như góp vốn hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang - nhà đầu tư góp mặt và trúng đấu giá nhiều dự án bất động sản tại Đắk Lắk (dự án Khu dân cư đô thị Tây Bắc II, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ), Cao Bằng (dự án Phát triển đô thị số 7A, phường Sông Hiến, TP. Cao Bằng), Hải Dương (dự án đầu tư xây dựng khu dân cư mới tại khu phố Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh)...
Việt Dương