Khan hiếm vàng SJC

Tiền Phong/ SGTT/ Thanh Niên | Ngày cập nhật: Thứ Sáu, 30 Tháng Mười Hai 2011 08:48:00

Ghi nhận tại công ty SJC cho thấy, trong ngày 29.12 đã bán ra khoảng 8.500 lượng trong khi một ngày trước đó chỉ bán được chừng 3.500 lượng.

Chị H.T (Đống Đa- Hà Nội), cho biết, sáng 29-12, đã rút 3,2 tỷ đồng gửi tại Ngân hàng Eximbank (19 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) trước hạn, chấp nhận mất hơn 30 triệu tiền lãi để mua vàng SJC nhưng không mua được. Nhân viên ngân hàng khẳng định khó có thể mua được vàng SIC trong ngày vì hết hàng. Vàng SJC khan hiếm, khiến Ngân hàng Eximbank nơi chị HT rút tiền phải bán nhỏ giọt mỗi người chỉ được mua nhiều nhất 1 lượng.

Không mua được vàng ở ngân hàng, chị HT phải gọi điện để mua ở các cửa hàng kinh doanh vàng. Tuy nhiên, sau khi trao đi đổi lại, cuối ngày chị vẫn không mua được vàng nên đem tiền quay trở lại gửi vào ngân hàng. “Có cửa hàng ra giá 4,203 triệu đồng/chỉ và hẹn gọi lại sau 5 phút. Khi gọi lại, họ nói muốn mua phải chấp nhận mức giá 4,207 triệu đồng/ chỉ mới bán, sau đó lại nâng lên 4,213. Và sau 5 phút gọi lại, họ cho biết đã hết vàng SJC.

Theo quan sát, không chỉ có chị H.T mà rất nhiều người trong ngày 29 đã đến ngân hàng rút tiền để mua vàng SJC nhưng không được. “Tôi quyết định đầu tư vàng vì châu Âu đang vào kỳ nghỉ tết nên giao dịch vàng rất ít. Trong khi đó, vàng Việt Nam biến động theo giá châu Á và châu Âu, nên sau tết khi hai thị trường này hoạt động trở lại, chắc chắn giá vàng trong nước sẽ tăng cao”- chị HT nói.

Trong ngày 29-12, theo thống kê của Bảo Tín Minh Châu, lượng người mua chiếm 30% và người bán chiếm 70%. Một số chuyên gia nhận định, giá vàng thế giới ngày sụt giảm mạnh còn 1.550 do khủng hoảng tài chính tại Eurozone; kinh tế toàn cầu tăng trưởng yếu, tình trạng khó khăn kéo dài, đồng thời do châu Âu, Mỹ bắt đầu nghỉ lễ nên các nhà giao dịch vàng đóng cửa.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Phó tổng giám đốc PNJ - cho rằng: “Với lực mua áp đảo, không thể nào kéo ngắn được khoảng cách chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới. Trong khi đó, giá vàng nguyên liệu mua trên thị trường hiện nay khoảng 40,3 triệu đồng/lượng - thấp hơn 1,7 triệu đồng/lượng so với vàng miếng. Số lượng vàng nguyên liệu này chỉ được sử dụng làm nữ trang chứ không thể dập vàng miếng vì các đơn vị sản xuất vàng miếng hiện nay không được phép dập vàng”. Mức chênh lệch cao và kéo dài này cho thấy, giải pháp bán vàng bình ổn đã không còn tác dụng. Người dân trong nước vẫn phải mua vàng với giá cao hơn giá thế giới khoảng 80 USD/ounce.

Tổng giám đốc một công ty kinh doanh vàng cho rằng chỉ còn một giải pháp là cho các đơn vị nhập vàng về thì giá trong nước mới có thể bám sát giá thế giới. Tuy nhiên, chuyên gia vàng Phan Dũng Khánh cho rằng việc nhập vàng cũng không giải quyết được vấn đề chênh lệch giá trong và ngoài nước. Vấn đề cốt lõi của bình ổn thị trường vàng là để bình ổn USD. Cho nhập vàng sẽ cần nguồn USD lớn, gây ảnh hưởng lên giá. Để giải quyết vấn đề chênh lệch giá, ông Khánh cho rằng cần thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia (không giống như kiểu các sàn vàng trước đây) để có thể huy động nguồn vàng trong dân vào lưu ký và giao dịch tại sở.