Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã GVR - sàn HoSE) công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024, Đại hội dự kiến tổ chức ngày 29/3.
Trong năm 2024, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam lên kế hoạch doanh thu 24.999 tỷ đồng, tăng 1,11% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến 3.437 tỷ đồng, tăng 2,03% so với thực hiện trong năm 2023, kế hoạch đầu tư 1.146 tỷ đồng và cổ tức dự kiến với tỷ lệ 3% vốn điều lệ.
Kế hoạch tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong năm 2025
Ngoài ra, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng trình cổ đông đề án tái cơ cấu đến năm 2025.
Trong đó, năm 2025, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam lên mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn là 28.575 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 5%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt mức 5.051 tỷ đồng; Luỹ kế giai đoạn 2021 – 2025, tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 135.000 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất giai đoạn ước đạt 25.075 tỷ đồng.
Số lao động bình quân hàng năm toàn Tập đoàn giai đoạn 2021 - 2025 là 82.848 người/năm, đến năm 2025 đạt 87.070 người và thu nhập bình quân khoảng 101 triệu đồng/người/năm.
Ngoài ra, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sẽ trồng, chăm sóc, khai thác và kinh doanh các sản phẩm từ cây cao su với diện tích khoảng 360.000 - 370.000 ha (trong nước khoảng 245.000 - 255.000 ha, nước ngoài khoảng 115.000ha), sản lượng mủ cao su khai thác khoảng 400.000 tấn, sản lượng tiêu thụ khoảng 500.000 tấn (bao gồm cao su gia công, thu mua), sản lượng gỗ cao su nguyên liệu khoảng 1,5 triệu m3 gỗ.
Đồng thời, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tiếp tục khai thác có hiệu quả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên đất cao su chuyển đổi; đẩy mạnh đầu tư mở rộng, đầu tư mới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch của địa phương và theo quy định pháp luật gắn với củng cố, phát triển doanh nghiệp.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nhấn mạnh phấn đấu phát triển khoảng 10.000 ha các loại cây trồng có đủ điều kiện ứng dụng các giải pháp công nghệ cao và có hiệu quả.
Kế hoạch tái cơ cấu các khoản đầu tư
Ngoài ra, về kế hoạch tái cơ cấu, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sẽ chuyển nhượng vốn đối với đơn vị do tập đoàn nắm cổ phần chi phối là CTCP Thương mại Dịch vụ và Du lịch Cao su và 7 đơn vị Tập đoàn không nắm cổ phần chi phối gồm CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (mã VRG - sàn UPCoM); CTCP Du lịch quốc tế Vũng Tàu (mã VIR - sàn UPCoM); CTCP EVN Quốc tế (mã EIC - sàn UPCoM); CTCP Điện Việt Lào; CTCP Tổng công ty Xây dựng và Thủy lợi 4; CTCP BOT Quốc lộ 13 An Lộc - Hoa Lư; CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã SIP - sàn HoSE).
Tập đoàn sẽ xem xét đầu tư thêm vốn để nắm giữ quyền chi phối tại CTCP Cao su Bến Thành và thực hiện giải thể Xí nghiệp Liên doanh Visorutex khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
GVR bị buộc bồi thường 141,4 tỷ đồng cho Thủy điện Đắk R’Tíh
Trước đó, ngày 22/2/2024, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam nhận được Bản án số 06/2024/KDTM-PT của Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM ngày 24/01/2024 về việc tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa Công ty cổ phần Thủy điện Đắk R’Tíh (sau đây gọi tắt là DaHC) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Theo đó, Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM quyết định: “Buộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần và Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM liên đới hoàn trả cho Công ty cổ phần Thủy điện Đắk R’Tíh số tiền là 141,4 tỷ đồng. Đây là số tiền mà DaHC đã nộp ký quỹ tại Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM để đảm bảo thực hiện quyền mua cổ phần”.
Theo tìm hiểu, trước đó, giữa tháng 9/2016, Thủy Điện Đắk R'Tíh; CTCP TNHH Sản xuất và Thương mại Bách Việt; Công ty TNHH MTV Đầu tư Rồng Việt; Công ty TNHH Đầu tư TAD Sài Gòn và ông Đặng Chính Trung cùng ký thỏa thuận hợp tác góp vốn đầu tư.
Các bên thống nhất góp vốn và ủy thác cho Thủy Điện Đắk R'Tíh thay mặt các bên tham gia mua thỏa thuận trọn lô gần 111 triệu cổ phần của các công ty thủy điện thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần, gồm CTCP Thủy điện Geruco Sông Côn, CTCP VRG Bảo Lộc, CTCP VRG Đắk Nông, CTCP VRG Phú Yên và CTCP VRG Ngọc Linh với tổng giá trị chuyển nhượng theo hợp đồng hơn 1.415 tỷ đồng.
Tỷ lệ góp vốn của các bên để thực hiện dự án được thống nhất Công ty Thủy Điện Đắk R'Tíh sở hữu 15%; Công ty Sản xuất và Thương mại Bách Việt sở hữu 47,5%; Công ty Đầu tư Rồng Việt sở hữu 17,5%; Công ty Đầu tư TAD Sài Gòn sở hữu 10%; và ông Đặng Chính Trung sở hữu 10%.
Sau đó, Thủy Điện Đắk R'Tíh trúng thầu và đã ký hợp đồng chuyển nhượng với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần vào ngày 8/12/2016. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty đã gửi nhiều văn bản đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần triển khai và thực hiện các điều khoản đã cam kết theo hợp đồng nhưng không nhận được kết quả mong muốn.
Ngày 20/12/2019, Thủy Điện Đắk R'Tíh khởi kiện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần ra Tòa án Nhân dân TP.HCM với yêu cầu hoàn trả khoản tiền đặt cọc và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.
Theo quyết định của Bản án sơ thẩm ngày 26/04/2021, Tòa tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Thủy Điện Đắk R'Tíh, bao gồm hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần; buộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần hoàn trả tiền đặt cọc hơn 141 tỷ đồng; phải chịu phạt vi phạm hợp đồng hơn 113 tỷ đồng và bồi thường thiệt hại số tiền lãi hơn 45 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Thủy Điện Đắk R'Tíh chưa nhận được bất kỳ khoản tiền nào theo bản án đã tuyên, do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần đã nộp đơn đề nghị Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM để kháng cáo đối với bản án của Toàn án Nhân dân TP.HCM.
Công ty Thủy điện Đắk R’Tíh là chủ đầu tư dự án Thủy điện Đắk R’Tíh có công suất 144 MW, sản lượng điện năng 636,8 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư 4.300 tỷ đồng và chính thức hoà lưới điện quốc gia vào tháng 8/2011.
Duy Bắc