Đại lý kêu hoa hồng xăng dầu thấp

VnExpress | Ngày cập nhật: Chủ Nhật, 25 Tháng Mười Hai 2011 08:59:00

Bộ Tài chính cho rằng để xảy ra lỗ, một số DN đã mạnh tay chia hoa hồng cho đại lý. Trong khi đó, đại lý than khoản chi này quá thấp, có thời điểm lỗ lớn họ phải ngừng nhập hàng.

Chị Nga, chủ một doanh nghiệp xăng dầu ở quận Bình Tân cho biết chị lấy hàng của Petec, mấy tháng trước mức chiết khấu chỉ là 200 dồng, có khi chỉ 100 đồng một lít. "Riêng thời điểm giữa năm có khí được 700-800 đồng, các tháng còn lại thì không được như vậy. Thủ đơn giản với mức 200 đồng một lít, một ngày bán 4.000 lít, một ngày chỉ được 800.000 đồng", chị Nga nói.

Theo chị Nga, 200 đồng chiết khấu đó là chưa tính chi vận chuyển hết 100 đồng một lít (do cửa hàng bỏ ra), lương nhân viên 8 người với mức 3 triệu một tháng, còn mặt bằng, thuế.... "Nếu nói tất cả đại lý đều đại lý đều lời thì không đúng", chủ cây xăng này phân tích.

Đồng tình, anh Trọng Hùng, cửa hàng trưởng trạm xăng trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp cũng cho rằng với mức chiết khấu 200 đồng mỗi lít cây xăng sẽ lỗ, 250 đồng thì huề vốn. "Hiện nay, Petec trả khoảng 550 đồng một lít, riêng tháng 6 được khoàng 700-800 đồng, tuy nhiên đa số là tầm 200 đồng, đó là trả tiền ngay, nếu trả sau thì thấp hơn 50 đồng mỗi lít", anh Hùng tính toán.

Anh Hùng khẳng định để các cây xăng có thể sống được thì mức hoa hồng này phải đạt 500 đồng, vì đầu tư cây xăng còn tiền bến bãi, vay ngân hàng... Còn việc kiểm tra các mức này rất dễ, chỉ cần xem lại hóa đơn là biết ngay trong tháng đó, hoa hồng được các doanh nghiệp chi cho đại lý là bao nhiêu.

Chị Sương, cửa hàng ở quận Gò Vấp lấy hàng Sài Gòn Petro cho biết hiện nay mức chiết khấu là 500 đồng và là cao nhất trong mấy tháng nay. "Một xe xăng 300-400 triệu đồng, nếu mức hoa hồng 200 đồng một lít, 16.000 lít lời có mấy triệu bạc, vay tiền ngân hàng để kinh doanh là lỗ", chị Sương nói.

Chủ một đại lý kinh doanh xăng dầu cho rằng cách đây một vài năm chuyện các doanh nghiệp đua chi hoa hồng cho đại lý để giành thị phần là có. Tuy nhiên, một năm trở lại đây, việc Nhà nước yêu cầu kìm giá bán mà vẫn đảm bảo đủ xăng dầu cung cấp ra thị trường. Điều này khiến hầu hết các hãng cung ứng phải cắt dần các khoản chiết khấu, hoa hồng cho đại lý.

Trong đó, các cửa hàng, đại lý nằm trong hệ thống của Petrolimex và một số doanh nghiệp lớn vẫn đảm bảo bán hàng ra thị trường, dù nhiều thời điểm họ bị lỗ. Cùng lúc đó, nhiều cửa hàng tư nhân khi các khoản hoa hồng bị cắt giảm có lúc xuống tới 100 đồng một lít đã không chịu được nên phải đóng cửa.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại TP HCM thì cho rằng cách nói của Bộ Tài chính là doanh nghiệp chi hoa hồng cao cho đại lý, đó là không phải nói trên góc độ doanh nghiệp. "Nếu Nhà nước điều hành theo cơ chế giá thị trường thì nhà nước không phải lo, nếu doanh nghiệp chi hoa hồng cao, doanh nghiệp lỗ thì doanh nghiệp tự chịu. Nhưng hiện nay việc điều hành xăng dầu không theo thị trường", lãnh đạo này phân tích.

Cụ thể, nếu doanh nghiệp không chi hoa hồng cạnh tranh thì chắc chắn không bán được hàng. Mặt khác, việc cho thù lao còn phụ thuộc vào hàng tồn kho, nếu hàng tồn kho giá cao mà trong khi giá thế giới đang giảm thì buộc doanh nghiệp phải đưa ra mức thù lao cạnh tranh để bán được hàng.

Phó tổng giám đốc Petrolimex Vương Đình Dung trao đổi với VnExpress rằng ông không bình luận trước kết quả thanh tra của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, ông khẳng định các báo cáo, số liệu của Petrolimex không sai và rất minh bạch. Các mức hoa hồng mà hãng chi cho các cửa hàng, đại lý trong hệ thông cũng thấp hơn nhiều so với các hãng khác.

Trước đó, trong một bản báo cáo gửi cơ quan chức năng, Petrolimex cho biết trong thời gian 6 tháng đầu năm 2011, chiết khấu bình quân đối với mặt hàng xăng dành cho tổng đại lý là 364 đồng mỗi lít, cho đại lý là 260 đồng. Chiết khấu với mặt hàng dầu hỏa cho tổng đại lý là 285 đồng mỗi lít và cho đại lý 229 đồng, còn chiết khấu cho mặt hàng diezel lần lượt là 378 đồng và 263 đồng/lít.

Mức chiết khấu mặt hàng madút 69 đồng mỗi kg đối với tổng đại lý và 65 đồng mỗi kg với đại lý. Với mức chiết khấu bình quân trong 6 tháng đầu năm 2011 của Petrolimex không cao hơn chi phí kinh doanh định mức được quy định là 600 đồng.

Còn nếu tính mức thù lao (chiết khấu) bình quân trong 9 tháng của Petrolimex thì có thời điểm đơn vị này nâng mức thù lao bình quân riêng đối với mặt hàng diezel cao hơn chi phí định mức với 702 đồng mỗi lít. Thời gian nâng mức thù lao tiến hành từ 1/7/2011 đến trước 21 giờ ngày 26/8/2011 và cũng trùng với thời điểm Bộ Tài chính tiến hành thanh tra.

Tuy nhiên, tính tổng chung thì mức hoa hồng cho tổng đại lý và đại lý bình quân trong 9 tháng của Petrolimex cũng không cao hơn quy định do Bộ Tài chính quy định. Cụ thể, chiết khấu bình quân mặt hàng xăng cho tổng đại lý là 403 đồng mỗi lít, cho đại lý 307 đồng mỗi lít. Mặt hàng dầu hỏa bán cho tổng đại lý và đại lý được chiết khấu 298 đồngt và 239 đồng mỗi lít. Với mặt hàng diezel và madút lần lượt là 329-427 đồng mỗi lít và 65-84 đồng mỗi kg.

Theo kết luận thanh tra do Bộ Tài chính công bố, kinh doanh xăng dầu nội địa của 4 doanh nghiệp đầu mối giai đoạn từ 1/7 đến 26/8 về cơ bản không lỗ, thậm chí có lãi. Cơ quan này còn khẳng định nếu tuân thủ đầy đủ các quy định về chiết khẩu, lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh, đặc biệt là hoa hồng cho đại lý, doanh nghiệp đã có lãi. Bản kết luận này gần như trái với những gì mà doanh nghiệp xăng dầu lâu nay vẫn kêu là giá thế giới biến động, xăng dầu luôn trong tình trạng lỗ lớn.

 

Hồng Anh - Kiên Cường