Nhiều nhà đầu tư nước ngoài "nhăm nhe" cổ phần Habeco

DDDN | Ngày cập nhật: Thứ Năm, 22 Tháng Ba 2018 08:55:00

Không chỉ có Tập đoàn Carlsberg muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu của mình tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) mà còn có những "ông lớn" khác trong ngành bia cũng đang nhăm nhe cổ phần Habeco.

Ông Cees‘t Hart, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Carlsberg bày tỏ mong muốn “tiếp tục tăng cường tỷ lệ sở hữu ở Habeco để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của công ty”.

Trước đó, vào quý III/2017, Thoả thuận hợp tác chiến lược và Hợp đồng mua bán cổ phần giữa Habeco và Carlsberg được ký với thỏa thuận, khi Habeco niêm yết, Carlsberg có quyền ưu tiên mua cổ phần của doanh nghiệp này.

Không chỉ có Carlsberg nhăm nhe mua tiếp cổ phần của Habeco, mà những cái tên đang được chú ý có thể tham chiến lần này là Heineken và AB Inbev.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2017, doanh thu thuần của Habeco đạt 2.597 tỷ đồng, giảm tới 30% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 127 tỷ đồng, trong khi năm ngoái Công ty ghi nhận khoản lỗ gần 19 tỷ đồng.

Cả năm 2017, doanh thu thuần của Habeco đạt 9.800 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với kết quả của năm 2016. Đồng thời giá vốn hàng bán tăng nhẹ lên mức 7.228 tỷ đồng khiến cho biên lợi nhuận gộp của Habeco giảm. Kết quả lợi nhuận sau thuế năm 2017 của Công ty đạt 751 tỷ đồng, giảm hơn 4% so với năm trước.

Bên cạnh sự sụt giảm đến từ doanh thu, chi phí bán hàng trong năm tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm giảm kết quả lợi nhuận sau thuế của Habeco.

So sánh với kế hoạch kinh doanh năm 2017, Habeco đã vượt 10% kế hoạch doanh thu 8.866 tỷ đồng. Còn về kế hoạch lợi nhuận sau thuế, Công ty đã thực hiện được gần 93% so con số 808,6 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2017, tổng tài sản của Habeco giảm 3% từ 9.753 tỷ đồng xuống còn 9.503 tỷ đồng so với đầu năm. Trong năm, tổng nợ phải trả của Công ty giảm gần 14% xuống mức còn 2.796 tỷ đồng. Các khoản vay nợ ngắn hạn và dài hạn đều giảm. Trong đó, vay nợ ngắn hạn giảm còn gần 600 tỷ đồng, ứng với tỷ lệ giảm là hơn 25%.

"Việt Nam đang là thị trường bia vô cùng hấp dẫn các nhà đầu tư bởi tiềm năng của thị trường bia Việt Nam rất lớn. Nhờ văn hóa ẩm thực đường phố và quá trình đô thị nhanh, mức tiêu thụ bia tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2016-2021", báo cáo của Euromonitor về thị trường bia khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết.

Lượng tiêu thụ rượu bia trung bình trên thế giới không tăng trong vòng một thập niên gần đây nhưng ở thị trường Việt Nam lại vọt lên theo chiều "thẳng đứng". Năm 2008, Việt Nam mới đứng thứ 8 châu Á về tiêu thụ bia, nhưng 8 năm sau đã trở thành quốc gia tiêu thụ nhiều thứ 3 trong khu vực, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc.

Theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), ngành bia Việt Nam do 4 công ty lớn nắm giữ, gồm: Habeco, Hue Brewery (do Carlsberg sở hữu 100% vốn), Sabeco (Saigon Brewery) và Heineken NV.

Hiện Sabeco đang chiếm khoảng 41-43% thị phần về sản lượng, Heineken đứng thứ 2, nhưng chỉ chiếm cỡ 25-27%; tiếp đó là Habeco với khoảng 16%, Carlsberg chưa đến 10% và phần còn lại thuộc về các hãng bia khác. Trong đó, còn Heineken giữ thị phần chính tại phân khúc các sản phẩm trung và cao cấp.

Tổng cộng 4 doanh nghiệp kể trên theo ước tính giữ 90% sản lượng bia bán ra, 10% thị trường còn lại thuộc về một số doanh nghiệp mới như Masan Brewery, Sapporo, AB InBev hay Southeast Asia Brewery của Carlsberg.

Như vậy,  thông qua mua cổ phần tại Habeco, các doanh nghiệp bia nước ngoài sẽ có cơ hội cơ cấu lại thị phần bia tại thị trường Việt Nam.

Nguyễn Long