Thị trường ô tô năm 2018 khó dự đoán

TBNH | Ngày cập nhật: Thứ Hai, 19 Tháng Ba 2018 16:21:00

Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Xuân Thuý, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công thương (VIOIT) khi đánh giá thị trường ô tô trong nước năm 2018.

Khi Việt Nam bắt đầu xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với xe nguyên chiếc xuất xứ từ ASEAN, thị trường ô tô trong nước đang tăng trưởng nhanh (đạt 24%/năm) trong 5 năm vừa qua hứa hẹn tiềm năng cho ngành này phát triển.

Tuy nhiên, bà Thúy cũng cho rằng, các DN trong nước phải có sự sẵn sàng, chủ động trong việc tận dụng các hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, cũng như có những biện pháp ứng phó với những thách thức do các FTA mang lại. Thực vậy, các FTA tạo ra sự cạnh tranh gay gắt hơn giữa các nhà lắp ráp trên thị trường, giữa xe trong nước và xe nhập khẩu. Sự phức tạp trong ngành ngày càng tăng đòi hỏi DN và Chính phủ phải có đối sách nhanh hơn và chính sách có tầm chiến lược hơn.

Trong ngắn hạn, Chính phủ đã có các biện pháp, hàng rào kỹ thuật có thể làm chậm lại việc nhập khẩu xe nguyên chiếc có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và giảm nhẹ áp lực cạnh tranh từ xe nhập khẩu. Cụ thể, đó là các chính sách mới ban hành như:

Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định về hoạt động sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô; và Nghị định 125/2017/NĐ-CP quy định về thuế đối với xe nguyên chiếc là phụ tùng, linh kiện ô tô. Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, đó là các hàng rào kỹ thuật có thể làm chậm lại việc nhập khẩu xe nguyên chiếc có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN và giảm nhẹ áp lực từ xe nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo lộ trình, các FTA sẽ góp phần làm tăng nhập khẩu xe nguyên chiếc và phụ tùng từ các đối tác đặc biệt là từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia… đồng thời cũng tạo ra tiềm năng xuất khẩu nguyên phụ liệu sang các nước đối tác, tham gia vào chuỗi giá trị khu vực.

Theo nhận định của Bộ Công thương, CMCN 4.0 sẽ là là cú hích mạnh mẽ để đổi mới ngành ô tô. Ngành công nghiệp này sẽ tạo ra sự thay đổi toàn diện về cách thức, quy trình sản xuất, chế tạo ô tô và tạo ra giá trị gia tăng cao trong ngành công nghiệp ô tô. Đồng thời, tăng tính tự chủ và độc lập của các công đoạn sản xuất để ứng phó với sự phức tạp ngày càng gia tăng của ngành.

Chia sẻ tại hội thảo chuyên đề: "Công nghiệp Hỗ trợ trong CMCN 4.0", do Sở Công thương TP.HCM tổ chức, bà Thúy nhận định, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong năm qua của Việt Nam đạt 2,3 tỷ USD, nhưng nhập khẩu phụ tùng linh kiện ô tô lại lên đến 3,5 tỷ USD. Đáng chú ý, cùng thời gian trên, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này đạt đến 4,4 tỷ USD. Như vậy có thể thấy năm 2017, Việt Nam đã xuất siêu đối với mặt hàng phụ tùng linh kiện ô tô.

Trên thực tế, sản phẩm linh kiện phụ tùng ô tô sản xuất ở Việt Nam được xuất đi hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển đã nhập khẩu những linh kiện công nghệ cao của Việt Nam như bộ dây đánh lửa, phụ tùng trong hộp số, túi khí an toàn...

Trong đó, Nhật Bản là nhà nhập khẩu lớn nhất, chiếm đến 42% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Thị trường Mỹ đứng thứ hai, đạt 16% tổng kim ngạch, trong khi thị trường Trung Quốc lớn thứ ba chiếm 9%; Hàn Quốc là 6% và Thái Lan là 5%. Thậm chí quốc gia có ngành công nghiệp ô tô hàng đầu thế giới là Đức cũng nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô từ Việt Nam.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, hầu hết các linh kiện phụ tùng này hoàn toàn do DN FDI sản xuất và xuất khẩu, trong khi các DN trong nuớc khá thờ ơ đối với FTA. Có thể thấy rằng, để phát triển CNHT cho ô tô thì các nhà lắp ráp phải bắt tay nhau, các nhà sản xuất linh kiện phụ trợ phải chia sẻ thông tin nhà cung cấp với nhau. Với hiệp định thương mại EVFTA, lộ trình cắt giảm thuế hoàn toàn khá dài (từ 5-7 năm) đối với xe Việt Nam xuất khẩu qua EU; xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sẽ được cắt giảm thuế trong khoảng 7-10 năm

. Thậm chí, Hiệp định CPTPP còn có lộ trình cắt giảm thuế hoàn toàn khá dài, 7 - 10 năm với các đối tác chủ yếu là Nhật Bản, Úc, Canada… Việc xoá bỏ thuế nhập khẩu đối với xe nguyên chiếc nguồn gốc xuất xứ ASEAN sẽ làm cho thị trường ô tô trong nước khó dự đoán hơn. 

Ngọc Hậu