700 đồng/CP - một mức giá không thể ngờ đối với cổ phiếu của 1 DN đang niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM - CTCP Nhựa Tân Hóa - Long An (VKP).
Đằng sau sự sụt giá thảm hại này là gì và cổ đông liệu có mất tất nếu 6 phiên giao dịch nữa, cổ phiếu VKP về mức 0 đồng hay không?
Hiện trạng VKP
Kể từ khi về dưới giá 1.000 đồng/CP, giá VKP đã không còn khả năng cầm cự nữa khi liên tục rơi tự do 100 đồng mỗi phiên, hiện còn 700 đồng/CP (phiên ngày 22/11/2011). Nếu theo đà này, khả năng VKP sẽ về 0 đồng/CP vào phiên giao dịch tuần sau.
Diễn biến của cổ phiếu VKP đã khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ. Vì lần đầu tiên trong lịch sử của TTCK Việt Nam, một cổ phiếu đã rơi xuống mức giá thấp không thể tưởng tượng được, trong khi vẫn đang đủ điều kiện niêm yết trên sàn giao dịch bậc cao: HOSE.
Tuy nhiên, với giới phân tích, diễn biến cổ phiếu VKP là kết quả tất yếu của một cơ thể doanh nghiệp rệu rã đã lâu. Đến quý III/2011 là quý thứ 10 liên tiếp VKP thua lỗ, với tổng số lỗ lũy kế là 116,87 tỷ đồng. Với mức lỗ này, vốn chủ sở hữu của VKP chỉ còn 34,4 tỷ đồng, bằng 43% so với vốn điều lệ.
Cùng với thua lỗ, VKP liên tục ở trong tình trạng mất khả năng thanh toán, với áp lực trả lãi vay ngân hàng cao (phải trả hơn 2 tỷ đồng tiền lãi/tháng) trong khi VKP lỗ ngay từ khâu sản xuất, do giá vốn cao hơn doanh thu.
Phân tích sâu hơn, nhà đầu tư càng có cơ sở để "chạy làng" cổ phiếu VKP. Bởi trong các báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009, 2010 hay mới nhất là báo cáo tài chính soát xét 6 tháng năm 2011, Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán Nam Việt liên tục cảnh báo về những khoản mục mập mờ ở VKP. Đó là việc VKP đã không trích dự phòng dù khoản phải thu khó đòi của Công ty là hơn 26 tỷ đồng (ngày 30/6/2011); VKP và khách hàng hiện tranh chấp khoản phải thu trị giá 24 tỷ đồng; việc tạm ứng cổ tức 2008, việc thực hiện khoản hàng tồn kho từ năm 2009 đều có sự sai lệch, chờ cơ quan chức năng giải quyết… Liên quan đến hợp đồng giao nhận thầu xây dựng văn phòng-kho-nhà xưởng ở 16-20 An Hạ, Tân Đức-Long An, phía Công ty và nhà thầu vẫn chưa có sự thống nhất hồ sơ quyết toán. Do đó, số liệu tăng thêm tài sản ở VKP chỉ là con số tạm tính.
VKP cũng chưa xây dựng được định mức cho từng loại và nhóm sản phẩm nên kiểm toán đã không thể xem xét được tính hợp lý của bảng tính giá thành sản phẩm, cũng như không thể đánh giá được các nguyên nhân khác gây nên thất thoát nguyên liệu ở VKP.
Một doanh nghiệp vừa kinh doanh thua lỗ, lại mập mờ về số liệu tài chính, đối mặt với nhiều kiện tụng, nên cổ đông quay lưng lại với cổ phiếu VKP là dễ hiểu. Tương lai VKP sẽ ra sao và ứng xử của HOSE như thế nào, là những câu hỏi được nhà đầu tư quan tâm hiện nay.
HOSE đang bàn phương án xử lý VKP
Trên thực tế, Ban lãnh đạo VKP có đề ra những kế hoạch để khắc phục tình trạng kinh doanh thua lỗ và giảm bớt chi phí vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, các giải pháp như phát hành trái phiếu chuyển đổi để huy động vốn, phát mại lô đất 2,2 héc-ta ở Long An của VKP để tạo dòng tiền… đều không khả thi. Thực tế này cộng với việc VKP không thể vay thêm vốn từ ngân hàng, phải vay của 4 thành viên ban lãnh đạo Công ty số tiền 15 tỷ đồng để duy trì hoạt động, đã phác họa bức tranh tài chính bế tắc ở VKP.
VKP có thể làm được gì để vượt qua ngưỡng phá sản? Câu trả lời đã không được tìm thấy từ phía Công ty do ông Trương Tứ Đệ, Chủ tịch VKP đã tắt máy ngay khi người viết liên lạc được. Điện thoại đến Công ty, mới hay mọi hoạt động của VKP đã dời về Tân Đức - Long An chứ không còn nằm ở 101, Tân Hóa, Q.6, TP. HCM như địa chỉ Công ty công bố.
Luật sư Lưu Tiến Dũng, thành viên của Công ty Luật YKVN cho rằng, có 2 khả năng để VKP đi đến phá sản: hoặc HĐQT quyết định phá sản Công ty; hoặc VKP không còn khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu và vụ việc được tòa án thụ lý.
Theo báo cáo tài chính soát xét 6 tháng 2011, VKP nợ ngắn hạn ở Ngân hàng Công thương 71,3 tỷ đồng, nợ dài hạn 65,2 tỷ đồng. Với những tài sản đã thế chấp ngân hàng để vay vốn và nếu VKP huy động tổng lực để trả nợ, có thể Ngân hàng Công thương sẽ chưa vội nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản VKP và VKP sẽ cầm cự thêm một thời gian nữa. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khả năng phá sản của VKP là khó tránh khỏi khi mà bên cạnh tiềm lực tài chính quá yếu, ngành nhựa bao bì mà VKP kinh doanh cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Trước mắt, không đợi đến lúc VKP phá sản, giá cổ phiếu của VKP đang đứng trước nguy cơ trở thành giấy lộn khi giảm về mức vài trăm đồng/CP. Hàng ngàn cổ đông VKP (cuối năm 2010, Công ty này có 2.191 cổ đông) có thể sẽ mất trắng số tiền đã mua cổ phiếu. Câu chuyện về VKP không chỉ là thiệt hại cho cổ đông VKP, mà còn tạo nên một hình ảnh xấu trong mắt giới đầu tư về một hàng hóa kém chất lượng nhưng vẫn được niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM.
Bà Trần Anh Đào, Giám đốc Phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết, HOSE cho hay, HOSE đang bàn và sẽ công bố hướng xử lý cổ phiếu VKP khi có phương án cụ thể.