Đầu tháng 4 tới, Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sẽ đại hội cổ đông bất thường để đưa 3 thành viên từ công ty “con” của tỷ phú Thái Lan vào HĐQT sau khi công ty này đã mua 53,59% vốn điều lệ của Sabeco. Diện mạo mới của ngành bia Việt với tầm ảnh hưởng rộng lớn từ khối ngoại là điều được dự báo trước qua hoạt động thâu tóm.
Đã từng có nhiều câu hỏi rằng tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi (chủ sở hữu tập đoàn ThaiBev – hoạt động trong lĩnh vực đồ uống) sẽ làm gì từ khi nắm giữ cổ phần chi phối tại Sabeco vào cuối năm 2017?
Nay đã có câu trả lời rõ ràng khi HĐQT Sabeco vừa thông qua nghị quyết đại hội cổ đông bất thường vào ngày 6/4 tới để bầu bổ sung 3 thành viên của công ty TNHH MTV Vietnam Beverage (công ty con của ThaiBev đã mua 53,59% vốn điều lệ của Sabeco với giá trị ước xấp xỉ 5 tỷ USD) vào HĐQT.
Nắm quyền chi phối
Điều này đồng nghĩa tầm ảnh hưởng của tỷ phú Thái sẽ rất lớn dù cho điều lệ tại Sabeco ghi rõ các quyết định quan trọng chỉ được đại hội cổ đông thông qua nếu đạt 65% tổng số cổ phần của các cổ đông có quyền biểu quyết.
Đáng chú ý hơn, với 36% vốn nhà nước còn lại, hãng bia nội địa lớn nhất Việt Nam mới đây gây thất vọng lớn khi Kiểm toán Nhà nước kết luận doanh nghiệp (DN) này trong năm 2016 đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư tài chính nhưng không hiệu quả, dẫn đến thua lỗ hơn 440 tỷ đồng. Phía Kiểm toán còn đề nghị Bộ Công Thương làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân ở Sabeco có liên quan đến vụ việc.
Ở một hãng bia nội địa khác có nguồn vốn nhà nước là Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) giữ thị phần hàng đầu ở một số tỉnh miền Bắc, phương án thoái vốn nhà nước còn loay hoay do có vướng mắc đàm phán với đối tác chiến lược Carberg (hiện nắm 17,5% cổ phần và từng có tham vọng nâng lên 30%).
Để có cơ sở thoái vốn tại Habeco, kế hoạch của Bộ Công Thương là phối hợp với một số bộ ngành liên quan tập trung đàm phán, xử lý rốt ráo vấn đề này. Mặt khác, Habeco hiện nay cũng có hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết. Khoản lợi nhuận mà DN này thu về lại trồi sụt, không ổn định. Mục tiêu hoàn tất thoái vốn nhà nước tại Habeco trong quý I/2018 liệu có thành đang là điều mà dư luận chờ đợi.
Nên nhắc thêm, Carlsberg là đơn vị sở hữu 100% tại công ty Bia Huế (Huda), DN đang nắm giữ thị phần chính tại thị trường miền Trung. Từ một công ty liên doanh 50 – 50 với đối tác Đan Mạch, đến năm 2012, Huda đã chuyển giao hoàn toàn cho hãng Carlsberg.
Dự báo cho thấy mức tăng trưởng của ngành bia Việt sẽ duy trì ở con số tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) 6% từ nay đến năm 2020. Nhưng có thể thấy những diễn biến mới ở nội bộ Sabeco (vốn đang chiếm 40% thị phần bia trong nước) hay Habeco hoặc như bia Huda vài năm trước cũng phần nào phản ánh những vấn đề của ngành bia nội địa. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là sức ảnh hưởng lớn đang thuộc về khối ngoại.
Diện mạo mới?
Theo nhận định từ giới phân tích, việc thoái vốn nhà nước tại hai hãng bia nội lớn nhất cũng như các hoạt động thâu tóm những hãng bia nhỏ khác sẽ cho thấy diện mạo mới của ngành bia Việt trong thời gian tới mà ở đó khối ngoại sẽ làm chủ cục diện. Kéo theo đó, mức độ cạnh tranh trong ngành này sẽ càng gay gắt hơn với sự đổ bộ của khối ngoại.
Được biết, từ đầu năm 2018, thuế tiêu thụ đặc biệt với bia từ mức 60% tăng lên 65%, tức tăng thêm 5%. Và theo đề xuất sẽ tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) với bia lên mức 12% từ đầu năm 2019.
Công ty Chứng khoán FPTS từng đưa ra nhận định lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến ngành bia Việt. Bên cạnh đó, việc cam kết cắt giảm thuế quan cho các mặt hàng nhập khẩu theo thỏa thuận từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã gia tăng cạnh tranh lên ngành bia nội.
Các hãng bia ngoại nhờ đó có cơ hội gia nhập vào thị trường, các sản phẩm bia ngoại được nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam, tạo áp lực cạnh tranh gay gắt lên các DN trong ngành, đặc biệt là trong phân khúc bia cao cấp.
Theo giới chuyên gia, chắc chắn tỷ suất sinh lời và rủi ro tiềm tàng của ngành bia Việt sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi việc biến động giá nguyên liệu nhập khẩu.
Điều đáng nói, việc cạnh tranh trong ngành này làm gia tăng chi phí sản xuất, chi phí quảng cáo. Trong khi đó, các chính sách tuyên truyền phòng chống tác hại của bia rượu hay lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và xu hướng tiêu dùng cao cấp hóa sẽ ảnh hưởng lớn đến “sức khỏe” của các hãng bia nhỏ.
Nhưng điều lo ngại lớn vẫn là sự bất cân xứng trong khả năng cạnh tranh giữa DN nội và ngoại trong lĩnh vực bia ngày càng cao khi thị phần của khối nội ngày càng có vẻ co lại, nhất là khi khả năng làm chủ tình hình đang thuộc về các tập đoàn sản xuất đồ uống có tiềm lực tài chính mạnh của khối ngoại, trong đó có thế lực đến từ các nhà đầu tư Thái Lan.
Ngoài ra, phân khúc bia cao cấp (với sự chi phối của khối ngoại mà dẫn đầu là Heineken) đang là phân khúc có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất (được dự báo tăng trưởng với CAGR từ nay đến năm 2020 là 7,2%) cũng đe dọa những DN nội ở phân khúc bia trung cấp.
Thế Vinh