Thị trường vẫn là cuộc chơi của những nhà đầu tư tầm trung.
“Bốn năm năm nay, đại diện Walmart đều gặp tôi nói chuyện thị trường Việt Nam. Họ vẫn luôn dòm ngó thị trường mình nhưng cho đến nay, mọi thứ vẫn chỉ dừng ở việc mua hàng, không hơn. Chỉ khi nào các quy định pháp luật thực sự minh bạch, việc thực thi rõ ràng thì các ông lớn như Walmart hay Tesco mới dám bước vô thị trường bán lẻ Việt Nam”, bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền và bán lẻ quốc tế, chia sẻ khi được hỏi về tương lai gần của thị trường bán lẻ sau khi Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 09/2018, văn bản được đánh giá là có nhiều thay đổi về điều kiện mở điểm bán lẻ đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Hiệu quả chưa rõ ràng của ENT
Trước hết, phải nói về Nghị định 09/2018 vừa được Chính phủ thông qua. Điểm mới của nghị định “quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” này là các điều kiện mà nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng khi lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở thứ nhất (tức từ thứ hai trở đi) đã cụ thể hơn so với quy định trước đó.
Lâu nay, theo Thông tư 08/2013 của Bộ Công Thương thì việc lập cơ sở bán lẻ từ thứ hai trở đi được xem xét từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào việc kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) của địa bàn nơi đặt cơ sở bán lẻ theo các tiêu chí: số lượng các cơ sở bán lẻ, sự ổn định của thị trường, mật độ dân cư và quy mô của địa bàn cấp quận, huyện nơi dự kiến đặt cơ sở bán lẻ. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố lập Hội đồng ENT để xem xét sự phù hợp của việc lập cơ sở bán lẻ theo các tiêu chí kể trên.
Còn với Nghị định 09 mới ban hành, việc lập cơ sở bán lẻ từ thứ hai trở đi sẽ được miễn kiểm tra nhu cầu kinh tế nếu cơ sở này có diện tích dưới 500 mét vuông, được lập trong trung tâm thương mại và không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini. Ngoài trường hợp này thì phải thực hiện ENT với việc cung cấp báo cáo theo các tiêu chí. Thứ nhất là quy mô của khu vực thị trường địa lý chịu ảnh hưởng khi cơ sở bán lẻ hoạt động. Thứ hai là số lượng các cơ sở bán lẻ đang hoạt động trong khu vực thị trường địa lý. Thứ ba và thứ tư là tác động của cơ sở bán lẻ tới sự ổn định của thị trường và hoạt động kinh doanh của cơ sở bán lẻ, chợ truyền thống trong khu vực, tới mật độ giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy. Thứ năm là khả năng đóng góp của cơ sở bán lẻ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội (gồm tạo việc làm cho lao động trong nước, đóng góp vào sự phát triển và hiện đại hóa ngành bán lẻ, cải thiện môi trường và điều kiện sống của dân cư trong khu vực thị trường địa lý, khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước).
Theo bà Nguyễn Phi Vân, các quy định về ENT lâu nay bị các nhà đầu tư nước ngoài phàn nàn rất nhiều vì không minh bạch. Việc “xem xét từng trường hợp cụ thể” trong bối cảnh việc thực thi pháp luật tại Việt Nam còn nhiều vấn đề khiến các doanh nghiệp lớn không dám vào thị trường dù tiềm năng được đánh giá cao. Những nhà đầu tư chấp nhận vào thì lại chọn cách thâm nhập ít rủi ro hơn như nhượng quyền thương mại để các nhà đầu tư trong nước “tự đánh nhau” hoặc lập liên doanh với điều kiện nhượng lại cổ phần trong một thời hạn nhất định.
Trong khi đó, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, lại cho rằng các nhà bán lẻ nước ngoài đã có nhiều cách để lách quy định về ENT, một công cụ được coi là để bảo vệ hệ thống phân phối trong nước. Cách khá phổ biến là không lấy tên chung của hệ thống siêu thị mà đi đến đâu sẽ lập thêm công ty riêng mang pháp nhân mới và bên trong thì có cam kết về việc quản lý. “Tôi từng đọc được một nhận xét của đại diện Lotte Mart rằng không dễ phát triển thị trường ở Hàn Quốc như Việt Nam. Lotte muốn ra khỏi (phạm vi) thị trường Seoul thì phải chứng minh nhu cầu kinh tế của địa phương dự kiến mở, dân số phải trên 300.000 người, mạng lưới bán lẻ hiện tại liệu có cần thêm siêu thị nữa hay không... Mà đó là trên đất nước Hàn Quốc, đất nước của chính họ. Còn ở Việt Nam thì tôi thấy mình dường như không quan tâm đến việc này”, bà Hạnh nói.
Không chỉ vậy, việc thực thi ENT thời gian qua ở phía dưới là... có vấn đề. Thực tế tại nhiều tỉnh, thành cho thấy những vị trí tốt nhất đều dành cho siêu thị nước ngoài. Và tỉnh nào cũng muốn có nhà bán lẻ nước ngoài, nhất là khi tỉnh bên cạnh đã có. Bản thân bà Hạnh từng gặp đoàn đại biểu Quốc hội của một tỉnh ở miền Tây ra Hà Nội để thuyết phục Bộ Công Thương đồng ý cho Metro Cash & Carry mở trung tâm phân phối ở tỉnh, dù trước đó lãnh đạo cao nhất của tỉnh nói với bà rằng sẽ cân nhắc.
Chính vì vậy, theo bà Hạnh, chưa có Nghị định 09 mới thì cổng đã mở, các nhà bán lẻ nước ngoài đã hình thành được mạng lưới. Thế đứng trên bàn cờ thị trường cũng đã định hình. Ưu thế từ mạng lưới điểm bán của các nhà bán lẻ đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đã và đang giúp cho hàng hóa có nguồn gốc từ các quốc gia này ngày càng có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam, có điều kiện để tiếp cận, kết nối và từng bước chinh phục người tiêu dùng. Tỷ lệ người tiêu dùng chọn mua và yêu thích sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan theo khảo sát năm 2018 của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đang tăng cao so với năm 2017. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tỷ lệ chọn mua và yêu thích hàng Việt Nam đang giảm đi.
Thị trường sau Nghị định 09
Theo bà Hạnh, với sự rõ ràng hơn quy định cũ, Nghị định 09 “chắc sẽ tác động đến thị trường”. Điều dễ thấy nhất là việc “bước tới” của hàng hóa ngoại nhập từ các quốc gia sẽ càng thuận lợi về mặt pháp lý. Bởi lẽ, các nhà bán lẻ khi có điểm bán mới sẽ chỉ bán những sản phẩm nào có tính cạnh tranh cao nhất, được người tiêu dùng quan tâm nhất. Và điều này thì rõ ràng, các doanh nghiệp trong nước sẽ “không thể vui”. “Vấn đề là khi sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam không mạnh thì không có cách nào nâng đỡ nổi”, bà Hạnh bày tỏ.
Đánh giá về Nghị định 09, bà Vân cho rằng, dù quy định đã cụ thể hơn nhưng vẫn chưa thể gọi là thực sự minh bạch, rõ ràng. Chẳng hạn các tiêu chí về ENT như đánh giá tác động của cơ sở bán lẻ tới sự ổn định của thị trường và hoạt động kinh doanh của cơ sở bán lẻ, chợ truyền thống trong khu vực, tới mật độ giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy hay khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước, đóng góp vào sự phát triển và hiện đại hóa ngành bán lẻ... vẫn chưa có các thước đo (KPI), thiếu cơ sở để chứng minh. Do vậy, vẫn có khả năng các nhà bán lẻ “vẽ các số liệu” để được cấp phép mở điểm bán lẻ mới ngoài điểm thứ nhất.
Cũng chính vì sự chưa thực sự minh bạch và rõ ràng này mà theo bà Vân sẽ chưa có sự thay đổi lớn trên thị trường. “Tôi chưa thấy sự xuất hiện của các nhà bán lẻ lớn, tầm cỡ thế giới”, bà Vân nói. Thị trường bán lẻ Việt Nam theo đó vẫn là cuộc cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ hiện có và họ sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới cho nhiều mục tiêu như phát triển lâu dài hoặc đơn giản để bán lại khi có lời. Nếu có người mới tham gia thị trường thì cũng sẽ vẫn dừng lại ở nhà đầu tư vừa vừa, có nguồn gốc châu Á, Trung Đông hay Đông Âu. Đây là những nhà đầu tư kiểu công ty gia đình, có thể linh hoạt trong chính sách do không phải trả lời những vấn đề minh bạch với các cổ đông góp vốn.
Bà Vân cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam nên bỏ hết các công cụ, rào chắn bởi tự do thương mại đã phát triển với đủ mọi hình thức, phương thức. Việc ngăn lại, hay làm chậm xu hướng hiện đại hóa tất yếu này bằng các thủ tục hành chính trong bối cảnh thực thi có vấn đề như lâu nay sẽ gây hại cho tất cả các bên liên quan. Nhà bán lẻ, cửa hàng tạp hóa, doanh nghiệp sản xuất trong nước không được bảo vệ; Nhà nước mất nguồn thu thuế chính thức nhưng những người thực thi trực tiếp lại có cơ hội tham nhũng. Một khi thị trường thực sự mở, ngân sách nhà nước sẽ gia tăng nhờ đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài tầm cỡ. Từ đây, Nhà nước sẽ có nguồn lực để thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. “Việc lúc này không phải là bảo hộ mà hỗ trợ cho các doanh nghiệp nội địa bằng các chương trình đào tạo, nâng cấp nguồn nhân lực, gia tăng ứng dụng khoa học kỹ thuật để họ không những lớn lên, có thể thích ứng với mọi sự thay đổi, cạnh tranh mà còn có khả năng vươn ra thế giới. Đây là cách bảo vệ doanh nghiệp nội địa tốt nhất, không hề vi phạm cam kết WTO”, bà Vân nêu ý kiến.
Cũng theo bà Vân, đừng ngại khi các ông lớn như Walmart hay Tesco vào thì các tiệm tạp hóa gia đình sẽ... chết bởi giá bán không cạnh tranh nổi. Hãy nhìn theo hướng các hộ kinh doanh này là kinh tế xám, không đóng góp ngân sách đáng kể lâu nay. Đây là cơ hội để họ chuyển đổi sang những mô hình kinh doanh mới, tiên tiến hơn và minh bạch hơn.
Minh Tâm