Chỉ sau 7 phiên đầu giao dịch kể từ ngày chào sáng 9/11, cổ phiếu NCG của CTCP Tập đoàn Nova Consumer đã bốc hơi đến 48% giá trị.
Kể từ ngày chào sàn, NCG chỉ có 1 phiên duy nhất đóng cửa trong sắc xanh vào ngày 13/11, còn lại đều giảm hoặc ở mốc tham chiếu. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/11, NCG lùi về mức 19.700 đồng/CP, giảm xấp xỉ 48% giá trị từ phiên đầu và giảm hơn 55% so với giá của đợt IPO vào tháng 3/2022 (44.000 đồng/CP). Vốn hoá thị trường từ mức định giá ban đầu 4.550 tỷ đồng cũng giảm về còn hơn 2.300 tỷ đồng.
Mở đầu phiên giao dịch ngày 20/11, NCG đang tiếp tục giảm tới 4,04%.
CTCP Tập đoàn Nova Consumer được thành lập kể từ ngày 19/11/2004. Năm 2022, Nova Consumer có kế hoạch niêm yết lên HOSE, tuy nhiên do thị trường chứng khoán gặp nhiều biến động dẫn đến các thủ tục không thể hoàn thành. Sau đó, Công ty đã xin ý kiến cổ đông về việc đưa cổ phiếu giao dịch trên UPCoM.
Về tình hình kinh doanh, trong quý III/2023, Nova Consumer đạt 1.054 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn cũng giảm 22%, xuống còn 944 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận gộp doanh nghiệp giảm hơn 26%, về mức hơn 110 tỷ đồng.
Kỳ này, doanh thu tài chính của NCG đạt gần 13 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính và chi phí bán hàng cũng tăng tương ứng lên lần lượt 56 tỷ đồng và 89 tỷ đồng, ngoại trừ chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 7%, về còn 40 tỷ đồng. Ngoài ra, trong kỳ NCG không còn khoản thu nhập khác 26,5 tỷ đồng mà chỉ còn gần 1,3 tỷ đồng.
Do những yếu tố trên, NCG báo lỗ xấp xỉ 43,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 64 tỷ đồng. Riêng Công ty mẹ báo lỗ 50,6 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng năm 2023, Nova Consumer đạt 3.194,8 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 7% so với cùng kỳ; lỗ sau thuế trên 74,5 tỷ đồng (cùng kỳ lãi đến 248,9 tỷ đồng). Công ty mẹ lỗ trên 74 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2023 – 2027, Nova Consumer sẽ tập trung chính vào mảng nông nghiệp.
Đối với mảng sản xuất và kinh doanh thuốc thú y – mảng cốt lõi đã hoạt động trên 31 năm, NCG xác định trong 5 năm tới sẽ liên tục phát triển mạnh để nâng cao thị phần trong nước cũng như xuất khẩu.
NCG hiện có 3 công ty đạt tiêu chuẩn WHO-GMP, xuất khẩu ổn định trên các thị trường lớn của thế giới trong suốt 28 năm qua. Cụ thể, các sản phẩm của Anova JV, Bio-Pharmachemie, Anova Pharma xuất hiện trên thị trường của một số thị trường tiên tiến như Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Ả Rập Saudi, Nigieria…
Đối với mảng trang trại, NCG đặt ra nhiệm vụ quan trọng là thực hiện các biện pháp an toàn sinh học đảm bảo các trang trại an toàn dịch bệnh. Những năm tới, việc tăng năng suất, giảm giá thành, tối ưu các chuồng trại đang có là việc vô cùng quan trọng. Dự kiến năm 2023, mảng trang trại sẽ sản xuất trên 350.000 con heo thịt để cung ứng ra thị trường, đạt tiêu chuẩn chất lượng đề ra.
Đối với mảng thức ăn gia súc – chiếm tỷ trọng lớn trong mảng nông nghiệp, 5 năm tới, NCG đặt mục tiêu tăng trưởng doanh số, sản lượng và sử dụng toàn bộ công suất máy móc ở 3 nhà máy Long An, Hưng Yên và Đồng Nai. Tập đoàn cũng đặt mục tiêu cung cấp cho thị trường 1 triệu tấn thức ăn gia súc vào năm 2026.
Kiều Trang